THANH LONG BẠCH HỔ TRONG PHONG THỦY VĂN PHÒNG – NHÀ Ở
Trong phong thủy nhà ở chúng ta thường nghe nhắc tới Huyền Vũ, Chu Tước, Thanh Long, Bạch Hổ, nhưng chưa hẳn đã hiểu về các khái niệm này và thường đặt ra câu hỏi Thanh Long – Bạch Hổ là gì? vị trí đặt của nó được đặt ở đâu, tác dụng phong thủy của nó trong xây dựng nhà cửa. Hôm nay chúng tôi xin nêu ra 1 số trường hợp phong thủy ảnh hưởng của các khái niệm này nhằm giúp bạn hiểu rõ hơn:
Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ trong phong thủy được gọi là tứ tượng hay tứ thánh thú là hình tượng bộ tứ không chỉ trong phong thủy mà còn được nghiên cứu trong thiên văn học, triết học phương Đông
Ngoài ra mỗi thánh thú còn đại diện cho mỗi phương hướng của 1 ngôi nhà, ngôi mộ, bàn làm việc… như sau:
- Thanh Long ( Rồng Xanh ) đại diện cho phương Đông
- Bạch Hổ ( Hổ trắng ) đại diện cho phương Tây
- Chu Tước ( Chim sẻ màu đỏ ) đại diện cho phương Nam
- Huyền Vũ ( Sự kết hợp giữa hình ảnh Rắn quấn quanh con Rùa có màu đen) đại diện cho phương Bắc
Cách xác định vị trí chính xác là nhìn từ trong nhà ra thì:
- Thanh Long ở bên trái
- Bạch Hổ bên phải,
- Phía sau nhà là Huyền Vũ .
- Chu Tước ở phía trước nhà ( mặt tiền nhà).
Mỗi thánh thú cai quản một phương và tượng trưng cho một mùa:
- Bạch Hổ có màu trắng (bạch) là màu của hành Kim ở phương Tây, do đó tương ứng với mùa thu.
- Thanh Long là linh vật thiêng liêng bậc nhất trong Tứ tượng có tượng là hình rồng, có màu xanh, màu của hành Mộc ở phương Đông, do đó tương ứng với mùa xuân.
- Huyền Vũ là linh vật hình con rắn quấn quanh con rùa, có màu đen là màu của hành Thủy ở phương Bắc, tương ứng với mùa đông.
- Chu Tước là linh vật hình con chim sẻ màu đỏ là màu của hành Hỏa ở phương Nam, tương ứng với mùa hạ.
Một căn nhà sở hữu địa thế đẹp nếu hội tụ đầy đủ Tứ tượng này. Tuy nhiên, trong cuộc sống đô thị ngày càng phát triển, đất chật người đông như hiện nay thì để sở hữu đúng và đủ địa thế này là một điều cực kỳ khó.
Vì vậy để tương ứng với thực tế, thuyết phong thủy tứ tượng cũng có cách khắc phục linh hoạt và có sự thay đổi cho phù hợp :
- CHU TƯỚC: là khoảng đất phía trước nhà. Khu vực này cần bằng phẳng, hoặc ít nhất là thấp hơn đất đằng sau, bên trái và bên phải nhà. Trong phong thủy Chu Tước là kinh vật mang lại tài lộc, giá trị vật chất.
- HUYỀN VŨ : là phía sau ngôi nhà cũng là hướng đặt nhà chính nên phải cao hơn phía trước.
Ta có thể cải tạo thế đất bằng cách xây một ụ đất giống như lưng rùa để tạo Huyền Vũ, việc tạo mô đất gặp khó khăn ta có thể treo một bức tranh rùa ở phần sau của ngôi nhà, hay nuôi một con rùa ở vị trí này, sao lại chỉ nuôi 1 con vì số gắn với rùa là số 1. Trong phong thủy Rùa được cho là có thể mang lại vận may quý nhân phù trợ, sự trường thọ cũng như sự bảo vệ lâu bền. Ta cũng có thể kích hoạt huyền vũ bằng cách đặt một tượng rùa bằng đá hoặc rùa bằng đồng ở vị trí này.
- THANH LONG: Trong phong thủy hình thế nơi Rồng trú ẩn là nơi có thế đất nhấp nhô. Nhìn từ phía trong ra thì Thanh Long nằm ở phía trái ngôi nhà, thế đất bên trái cao hơn bên phải..
- BẠCH HỔ: Là biểu tượng song hành cùng với Thanh Long trong phong thủy xây dựng nhà ở, linh vật này có vai trò quan trọng không kém Rồng. Thanh long tạo ra cuộc sống tốt đẹp, may mắn còn Bạch hổ lại giúp duy trì và bảo vệ những thứ này. Bạch Hổ nằm bên phải ngôi nhà và phải thấp hơn Thanh Long vì người ta tin rằng Bạch Hổ cao hơn, khí thế mạnh hơn sẽ lấn át Thanh Long mất sự cân đối trong bố cục phong thủy dễ gây hại cho những người trong gia đình.
Và khi nhà ở không hợp phong thủy sẽ ảnh hưởng xấu đến hòa khí gia đình và gặp những điều không may mắn :
1) Nhà ở thế “Bạch hổ hiến mi”
Theo quan niệm phong thủy, phía tay trái nhà là Thanh long tượng trưng cho khí Dương – phái mạnh, còn bên phải là Bạch hổ tượng trưng cho khí Âm – nữ giới. Địa thế 2 bên nhà phải đều nhau để Âm-Dương cân bằng.
Nếu đường bên trái nhà (Thanh long) là đường cụt, còn bên phải nhà (Bạch hổ) đường dài hơn sẽ tạo thế “Bạch hổ hiến mi”, tức là làm cho Âm thịnh – Dương suy. Điều này khiến cho nam chủ nhân của căn nhà bị át bởi nữ giới và trở nên yếu đuối hơn.
Hoặc theo 1 số thiết kế nhà ở hiện nay thường gặp tình trạng nhà lồi lõm, nghĩa là thay vì trên 1 thế đất vốn dĩ vuông vức, hoàn toàn có thể tạo nên 1 căn nhà cân bằng Âm Dương nhưng có thể do nhu cầu sử dụng hoặc vô tình lại xây nên căn nhà bên trái thụt vào ngắn hơn bên phải, điều này tạo nên thế Âm thịnh – Dương Suy cũng gần tương tự như Bạch hổ hiến mi: nghĩa là nữ giới trong nhà sẽ lất át nam giới hoàn toàn.
2) Cây to vũng nước áng ngữ trước nhà
Cây to trước nhà nếu ở phía Thanh long (bên trái – hướng từ nhà nhìn ra) thì mang lại vận may nhưng nếu ở bên phía Bạch hổ (bên phải) là xấu.
Cây trước nhà tạo hung sát, ảnh hưởng tới sức khỏe gia chủ. Nếu cây quá gần và nằm chính giữa cửa nhà thì nên chặt bỏ ngay.
Trước nhà của bạn cũng không nên có vũng nước đọng dơ bẩn, hoặc bể cá lâu ngày không sục rửa vì sẽ tạo tử thủy, khiến gia chủ thiếu sức sống, gây cảm giác tù túng, bức bối trong người làm cho người đàn ông trong gia đình không muốn ở nhà. Vũng nước cũng là nơi tập trung muỗi, vi khuẩn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình.
3) Đặt phòng ngủ ở tầng thấp
Nhiều người cho rằng nên đặt phòng ngủ ở tầng thấp như tầng hầm vì nghĩ sẽ yên tĩnh, ngủ dễ hơn. Tuy nhiên đây là quan niệm sai lầm vì không gian ở tầng hầm có hút khí âm, gây ra sự mất cân bằng năng lượng. Nếu bạn dành quá nhiều thời gian ở đó sẽ khiến sức khỏe ảnh hưởng, vợ chồng mâu thuẫn vì có kẻ thứ 3 phá hoại.
Đã từng có 1 vị khách hàng của chúng tôi, với gia thế tài sản khá giả nhưng cả cuộc đời vẫn cực hoàn cực, dù có tiền nhưng tại sao cuộc sống vẫn không thể an nhàn như bao người khác. Khi vị khách này đặt câu hỏi với chúng tôi như vậy và qua việc khảo sát thực tế căn nhà của họ, có 1 điều tưởng chừng như vô tình nhưng lại ảnh hưởng cực kỳ to lớn đó là :
Phòng ngủ chính của vị khách này nằm lọt thỏm ở góc khuất và tối tăm nhất của căn nhà rộng lớn, khu vực này hoàn toàn bí khí luân chuyển, nhìn vào thì thích hợp là phòng gia nhân hơn là chủ nhân. Mặt bằng căn phòng lại thấp hơn so với phía trước nên vị khách than phiền vì sao thường đau ốm.
Theo bạn, căn phòng như vậy có thích hợp làm phòng ngủ của chủ nhà không ?
Đừng bao giờ coi thường vị trí đặt phòng ngủ với suy nghĩ qua loa, chỉ ngủ thôi thì thế nào cũng được. NHƯNG đây thực sự là sai lầm cực kỳ nguy hiểm vì phòng ngủ là nơi bạn nghỉ ngơi thư giãn và giúp bạn tái tạo năng lượng sau 1 ngày dài bận rộn mệt mỏi với cuộc sống bên ngoài, khi trở về nhà, bước vào 1 phòng ngủ ấm cúng có không khí thoáng đãng sạch sẽ, hoàn toàn là nơi bồi đắp và nuôi dưỡng tinh thần thể chất năng lượng của bạn để tiếp tục cuộc sống ngày hôm sau.
4) Huyền Vũ bị khiếm khuyết
Mặt sau của căn nhà cũng rất quan trọng, vì đây được coi là điểm tựa cho toàn bộ căn nhà, nếu mặt sau cao hơn mặt trước và có vị thế tựa lưng núi cao (nhà cao tầng hơn nhà mình) là 1 vị thế cực kỳ tốt: mọi việc được vững chắc.
Còn trong trường hợp ngược lại: mặt sau lại thấp hơn mặt trước hoặc giáp phía sau căn nhà là 1 vùng đất trống và sình lầy. Như vậy căn nhà này xem như khiếm khuyết Huyền Vũ, cho nên hậu vận của căn nhà và những người trong nhà cũng sẽ bị ảnh hưởng tùy theo mức độ. Và quan trọng, người chủ căn nhà sẽ bị ảnh hưởng nhiều và nghiêm trọng nhất, có khi phải xa xứ mà không được hậu vận tốt.
Vì vậy phía sau ngôi nhà nên phải cao hơn phía trước.
5) Phong thủy văn phòng
Tương tự như vậy cũng có thể áp dụng cho phong thủy văn phòng :
- Vị trí ngồi phải được tựa lưng vào tường, tránh ngồi giữa đường đi có người qua lại.
- Phía trước mặt phải thông thoáng tầm nhìn, không bị bất kỳ vật gì che chắn trực diện.
- Nếu là Nam thì bên trái – Thanh Long phải cao hơn bên phải.
- Nếu là Nữ thì bên phải – Bạch hổ phải cao hơn bên trái.
Vì như vậy mới tạo nên cho bạn vị thế tốt trong công việc và trong các mối quan hệ đồng nghiệp, cấp trên cấp dưới.
Trên đây là một số chia sẻ của chúng tôi với khái niệm Tứ tượng trong phong thủy nhà ở và văn phòng.
Hãy cùng xem lại ngôi nhà và văn phòng của bạn có đang phạm phải điều tối kỵ nào trên đây hãy gửi tình huống cho chúng tôi để được tư vấn cách hóa giải phù hợp.
VƯƠNG NHẬT GIA